Xuôi về Miệt Thứ

Tác phẩm văn học chuyển thể thành phim năm 2017.

Vừa thấy Hậu đi làm về, ông Sáu phòng trọ bên cạnh gọi to:

- Qua phòng nhậu với  bác một ly cho vui!

Hậu là người  không hay nhậu, nhưng nghĩ ông Sáu là người sống nhiệt tình với mọi người trong xóm trọ, nên Hậu vẫn bước qua. Hơi rượu từ miệng ông  Sáu bốc ra:

- Ngồi xuống đi con, con mần chỗ đó có cực không? 
- Dạ! Cũng  bình thường thôi bác Sáu.

Mồi nhậu của ông Sáu đơn giản với mấy trái cóc và một cái bánh đa, có thêm cậu thanh niên xóm trọ làm bạn ông Sáu cảm thấy vui hơn, mặt ông đã đỏ bởi men cay, nhưng tay vẫn cầm  ly rượu đưa vô miệng, ngụm miếng rượu xong, khuôn mặt ông ngim ngượng, bỗng nước mắt trào ra vì ông buồn, ông hận khi nghĩ lại chuyện cũ,  bản thân ông có quê hương mà không về. Hơn mười bảy năm  tha phương ở đất Bình Dương  chưa một lần xuôi về Miệt Thứ An Minh, nơi miền quê sông nước của ông. Ông hận thằng Tám là bạn thân ngày xưa của ông, hận cả vợ ông, có đến lúc chết hay có kiếp sau  gặp lại, thì ông vẫn hận hai con người đó! Chỉ cần nghĩ đến vợ ông và thằng Tám là cơn tức giận lại sôi sục trong lòng.

Ngày trước  thằng Tám và ông cùng làm cái nghề bán hàng chèo xuồng theo chợ nổi, một hôm thằng Tám nó mưu tính mua tấm vải mang đến nhà tặng vợ ông may áo, nó nói là;  "em coi chị Sáu như chị dâu, nên mới mua quà biếu chị". Thỉnh thoảng nó cũng mua cho thằng nhỏ con ông gói bánh hay ít quà. Lửa gần rơm! Vợ ông và thằng Tám thậm thụt tình tứ với nhau! Nghe vợ, tin bạn dẫn đến đổ vỡ gia đình, ông có mỗi đứa con trai nhưng nó lại theo sống chung với mẹ nó. Lúc đó bốn bề là tiếng ì xèo, người ta nói ông là;  "thằng Sáu bị con vợ nó cắm sừng" khó đối mặt với sự việc và tiếng người đời bàn tán, nên ông đã bỏ  quê hương đi tha phương.

- "Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà. Trời tháng tư em mặc áo hoa cà"

Đang ca  bài vọng cổ Hoa tím bằng lăng, nhìn vẻ mặt trầm tư của Hậu, ông Sáu ngưng lại hỏi:

- Hậu nè!  Chẳng mấy nữa là đến Tết, con tính khi nào về nhà?
- Dạ, con cũng hổng biết nữa!
- Mèng đéc ơi! Sao lại hổng biết hả con?

Khuôn mặt của Hậu luôn hiện lên nỗi buồn về thân phận. Hậu chỉ nghe qua được  câu chuyện về bản thân mình, chỉ biết mẹ đẻ là người miền Tây, mà cũng không rõ ở tỉnh nào? Ngày mới sinh ra, mẹ đã bán Hậu cho cha mẹ nuôi nhà ở Phú Giáo - Bình Dương,  ít lâu sau cha mẹ nuôi mâu thuẫn rồi li dị, Hậu theo  mẹ nuôi về sống chung với bà ngoại, năm lên lớp 4 thì mẹ nuôi mất vì đột quỵ, năm mười lăm tuổi thì bà ngoại cũng qua đời vì bệnh tuổi già. Thế rồi cậu Hai ở bên Biên Hòa quay về  lấy cả mảnh đất và căn nhà của bà ngoại, nên bây giờ có muốn về thì cũng chẳng có nơi nào để về.

Khoảng cách giữa ông Sáu và Hậu  là chai rượu đế đặt giữa mâm, ông Sáu kể nhiều chuyện quê hương ông cho Hậu nghe:

- Ở quê bác có nhiều kênh rạch, rừng tràm, có nhiều chim trời, cá nước và ong rừng, có món cháo môn nấu với lươn rất ngon! Vì là vùng sông nước nên phương tiện đi lại chủ yếu là ghe, xuồng...

Hai con người  già, trẻ tạo nên sự thân thiện bắt đầu từ những câu chuyện kể về cuộc đời, thân thế và quê hương.

- Quê hương bác tuyệt vời như vậy mà bác không về? Bác  Sáu nên về thăm quê đi.
Ông sáu im lặng một lúc rồi nói :

- Về làm gì, để mọi người lại mỉa mai hả?
- Bác cứ nghĩ quá thôi,  bác đi biệt tăm bao nhiêu năm thế này là điều không nên!
- Tại Sao?
- Vì quê hương không bỏ rơi ai bao giờ! Bởi nơi đó là cội nguồn gắn bó với mỗi con người, mà bác còn nhiều người thân, còn con trai bác, nên bác hãy thu xếp về thăm quê đi,  như  bản thân con đây, muốn có nơi để về, muốn có chốn để đến và tìm được quê hương mình thật là khó! 

Nghe Hậu nói những điều mà ông Sáu chưa từng  nghĩ đến, bỗng ông thoát ra được những suy nghĩ cố chấp bị nhốt chặt trong đầu bao nhiêu năm qua.

- Ừa, quê hương thì không bỏ rơi ai bao giờ thiệt.

Cả đêm ông Sáu không ngủ được, cứ nghĩ hoài đến những lời nói của Hậu và ông bắt đầu suy nghĩ:
"Tội nghiệp thằng Hậu nó thân cô, thế cô, nó muốn có nơi để về, muốn có chốn để đến mà lại không có, còn mình thì...''
Ông nhận ra mình đã sai, khi chính những con người như ông đã bỏ quê hương bao nhiêu năm dài đi biệt xứ. ông áy náy, day dứt  vùng dậy châm điếu thuốc lá ngồi hút giữa cửa phòng. Trời đêm gần qua ngày mới, cảnh tĩnh mịch  trong khu nhà trọ và làn khói trắng của điếu thuốc lá như xui khiến, hối thúc ông lục sục gấp đồ cho vô ba lô đợi trời sáng ra đón xe về Kiên Giang.

Buổi sáng Hậu thức dậy nhìn sang  phòng trọ ông Sáu thì cửa phòng đã khóa, bỗng có chuông điện thoại reo, là cuộc gọi đến của ông Sáu:
''Cảm ơn những lời nói chân thành của con, ở lại mạnh giỏi nghen con,  sáng sớm nay bác xuôi về Miệt Thứ, hẹn gặp lại con sau''.

Trà Bình

VĂN HỌC VIỆT NAM

Tạo ngày 21/06/2017, Cập nhật ngày 22/06/2017

Chấm điểm bài viết

1

2

3

4

5

You are reaction?

0

awesome

0

nice

1

loved!

0

lol!

0

funny

0

fail!

0

omg

0

ew

Đọc nhiều nhất

Kết nối với vinote