Không phải ngẫu nhiên mà Vườn Quốc gia Ba Vì trở thành điểm dừng chân của chúng tôi sau hơn một tiếng tập thể dục trên xe khách. Tôi và Tùng đã gạch đi tên của không ít danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác vì không ở đâu hội tụ đủ những yếu tố thiên thời địa lợi như ở Ba Vì: Ba Vì không thiếu cảnh đẹp, đường đến Ba Vì khá thuận lợi với điều kiện đi lại của chúng tôi, và quan trọng nhất, Ba Vì là quê ngoại của Tùng nên chúng tôi có thể tiết tiệm được một khoản chi phí kha khá cho việc tìm đến một hướng dẫn viên du lịch “xịn”.
Tôi, Hải Anh và Tùng tụt lại cuối hàng để đảm bảo cho “quân ngũ” không bị thiếu hụt. Với những thành phần có ý định “đào ngũ”, ba chúng tôi đều đã chuẩn bị sẵn chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” để đối phó, và rất may là cả buổi sáng chúng tôi không phải áp dụng chiến lược đó lần nào.
Chúng tôi có một bữa ăn nhẹ vào 10 giờ 30 phút, thời khắc mà không một ai trong lớp còn đủ năng lượng để tiếp tục cuốc bộ nữa. Thậm chí My còn thẳng thừng từ chối chiếc bánh mì tôi đưa vì bạn ấy không muốn lãng phí sức lực cho việc nhai.
- Đừng lười vậy chứ, miệng bạn vẫn mở ra để nói được thì đảm bảo là vẫn nhai được! – Tôi dỗ dành My – Há miệng ra, aaaa....
My nhai hết miếng bánh thứ nhất lại há miệng ra, đòi tôi phục vụ tiếp.
- Đừng cắn vào tay mình đấy nhé. – Tôi sợ My đói đến hoa mắt nên phải dặn trước.
- Tay Dương có ăn được đâu mà cắn. – My thều thào nói.
Quân là người duy nhất làm cho chúng tôi cảm thấy yên tâm, vì bạn ấy không chỉ leo núi rất cừ, mà còn rất chịu khó nạp năng lượng nữa. Quân vừa nhồm nhoàm nhai bánh mì vừa tấm tắc khen:
- Bánh mì ngon quá! Cả nhà chê thì cứ để hết đó, tôi không khách sáo nữa đâu!
Vì quá cao hứng nên Quân không nhận ra rằng khoảng cách giữa bạn ấy và mấy bạn xung quanh ngày càng gia tăng. Cuối cùng, không thể chịu đựng được nữa, Thắng đưa tay gạt đi mấy mẩu vụn bánh mì trộn lẫn nước miếng phủ đầy trên mặt mình, nhăn nhó nói:
- Không ai bắt ông phải khách sáo cả, miễn là ông đừng vừa ăn vừa nói như thế này.
Kiên lấy trong ba lô ra một gói khăn giấy đưa cho Thắng:
Thắng rút ra một tờ khăn giấy rồi đưa trả Kiên cái gói. Cất lại cái gói vào ba lô, Kiên tiện tay lấy luôn điện thoại ra. Màn hình điện thoại vừa bật sáng, Kiên đã kinh hoàng hét lên:
- Ông Mặt Giời! Sao lại có đến mười ba cuộc gọi nhỡ của ông già thế này…
Tôi áp ngón tay trỏ lên môi để nhắc các bạn khác đừng ồn ào trong lúc Kiên đang nói chuyện điện thoại.
- Bố gọi gì con đấy ạ? – Kiên véo von – Con á? Con đang ở nhà bà ngoại. Trưa nay con ăn cơm ở nhà bà. Không tin bố hỏi em Mai đi. Vâng, chiều con sẽ về sớm bố ạ.
“Đang ở nhà bà ngoại”, chúng tôi cứ ngẩn người ra mà nhẩm đi nhẩm lại trong đầu cụm từ này. “Ông già” nhà Kiên chắc cũng đang ở trong tình trạng tương tự chúng tôi.
- Mai à, lát nữa bố mẹ anh có gọi thì em cứ bảo anh đang mò cua cho bà nấu canh nhé. – Kiên nói không ngừng nghỉ – Tầm hơn tiếng nữa anh sẽ về đến đấy. Bà đâu? Đưa máy cho bà giúp anh. Bà ơi, cháu đây, trưa nay cháu ăn cơm với bà nhé! Vâng, cháu cảm ơn bà!
Cuộc gọi đã kết thúc, Kiên chỉ có mấy giây để lấy lại tinh thần mà cũng không được yên thân với My. My lớn tiếng lên án Kiên:
- Ra ngoài đường đừng bảo với ai là mình quen Kiên đấy nhé! Sao bạn có thể nói dối không chớp mắt như vậy hả? Mang tiếng cô giáo mình lắm.
Kiên cứ “bơ” My mà đứng lên, tay không quên nhét thêm một chiếc bánh mì pa – tê vào ba lô:
- Mình xin cáo từ trước. Như các bạn đã biết, trong vòng một tiếng nữa mình phải có mặt ở nhà bà ngoại mình.
Các bạn xung quanh nhao nhao lên, mỗi người góp một câu để giữ chân Kiên lại:
- Ấy ấy, một tiếng nữa cũng hơn 11 rưỡi rồi. Giờ đấy ông còn về làm gì nữa.
- Đúng đấy, đã bõ công nói dối thì ở lại đây với chúng tôi đến chiều rồi cùng về cho vui.
- Có gì thì về chúng tôi cầu xin bố mẹ ông cho.
Kiên quay ra nhìn kẻ vừa hiến kế là Toàn:
- Ông nói thì nghe hay lắm! Thế ông có ở nhà tôi 24/24 giờ để cầu xin bố mẹ tôi được không?
Biết nói nữa cũng vô dụng, mấy mĩ nam mét tám của lớp tôi bèn hô hào:
- Cả nhà đâu, trói chân tay Kiên lại. Không được để Kiên trốn thoát.
Tôi và Tùng bị kẹt lại giữa hai quan điểm đối lập – một là giữ Kiên ở lại, hai là thúc giục Kiên mau chóng về nhà để bố mẹ Kiên khỏi lo lắng – nên cả hai đứa đều không biết phải cười hay phải khóc trước màn kéo co đang bày ra trước mắt.
Cuối cùng, để cứu vãn cái ba lô bị đem ra làm vật kéo co nãy giờ, cũng như cứu vãn thể lực đang dần hao mòn của mình, Kiên mới buông cái ba lô ra:
- Đến nước này thì đành bỏ của chạy lấy người vậy.
Vì không lường trước kế “Ve sầu thoát xác” này nên mấy đối thủ “gà công nghiệp” của Kiên đều bị ngã ngửa hết về phía sau, tay vẫn còn túm chặt lấy cái ba lô giờ đã hết giá trị với Kiên.
Kiên vừa tung vó chạy vừa ngoái lại dặn dò:
- Nhớ mua quà về cho mình đấy nhé!
- Cứ về nhà nằm chổng mông lên trời mà đợi cả lớp mua bông băng y tế cho! – My gửi cho Kiên một nụ hôn gió – Hẹn gặp lại.
Tuy lời nói của My không hề giấu giếm ý trù ẻo nhưng thực tế thì bạn ấy lại dành hơn nửa thời gian còn lại của chuyến dã ngoại để giúp chúng tôi mở mang tầm hiểu biết về cách mặc cả, khi chúng tôi rủ nhau đi mua quà cho Kiên. Trước mỗi món đồ mà chúng tôi hỏi giá, My lại thì thầm vào tai chúng tôi một con số được chia đôi, thậm chí chia ba từ con số ban đầu mà người bán đưa ra. Đến lúc chúng tôi nhận ra rằng buổi dã ngoại của mình đã biến thành một buổi chợ chiều thì chiếc ba lô của Kiên cũng đã được chất đầy bởi những món quà lưu niệm xinh xắn, và buổi chợ chính thức tàn khi My nhắc chúng tôi nhìn lại cái ví đang lép dần của mình.
Tôi, Hải Anh và Quân theo thứ tự ngồi trên băng ghế cuối của chuyến xe đưa chúng tôi trở về nhà. Ngồi ghế trên chúng tôi là Tùng và My. Gục đầu ngủ trên vai Tùng, My thỉnh thoảng lại độc thoại vài câu như “Ngon lắm”, “Thì sao?”, “Đắt!”, khiến Quân đã cố rồi mà vẫn không nhịn được cười.
- Cùng là tật nói mơ, nhưng nếu là nữ chính trong phim lảm nhảm thì chắc bạn chẳng cười đâu nhỉ? – Tôi nhướng mày hỏi.
- My mà gọi tên nam chính thì chắc chắn mình sẽ không cười. – Quân chống chế.
- Đợi đó. – Tôi nhổm người lên, ghé vào tai My thì thầm – My ơi, có mì tôm rồi này.
Chỉ cần hai chữ “mì tôm” được phát ra thì cái công tắc tự động trong cổ họng My sẽ được bật lên. My lý nhí nói:
Tôi hất cằm lên cười:
- Đấy, nam chính xuất hiện rồi, Quân còn muốn cười nữa không?
- Không cười nữa, không cười nữa. – Quân che miệng bằng cả hai tay – Không bao giờ khoe răng nữa.
Tùng ngoảnh lại nói:
- Dương để ý Quân làm gì, mệt thì chợp mắt một lúc đi. Lúc nào về gần đến nhà bạn mình sẽ gọi bạn và My dậy.
Tôi cũng cười nhẹ:
- Cảm ơn Tùng nhé! Mình chưa muốn về nhà. Lát nữa mấy bạn ghé vào nhà Kiên với mình đi!
- Nhất chí liền! – Tùng hào hứng nhận lời – Để mình thử rủ thêm mấy bạn nữa xem sao!
- Bạn thích thì cứ rủ! – Hải Anh lè lưỡi – Nhìn xem…
Hải Anh mà không nói thì chắc Tùng vẫn nghĩ rằng các bạn khác cũng đang vô công rỗi nghề mà ngồi nói chuyện phiếm như mấy người chúng tôi.
- Ờ, mọi người… hình như đều ngủ cả rồi. – Tùng mắt tròn mắt dẹt nhìn quanh – Chắc tại say xe…
Lúc xe khách dừng lại trước lối vào nhà Kiên, ngoài tôi, Hải Anh, My, Quân và Tùng ra còn có thêm một người nữa xuống xe. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu người đó không đeo cái bản mặt đáng bị chọi dép mà bước tới.
- Linh bị say xe, không vào nhà Kiên được. – Huy lạnh lùng dập tắt ngọn lửa hiếu kì đang nhen nhóm trong bầu không khí – Mình thay Linh đem quà tặng Kiên.
Tùng luôn là người đi đầu trong những vụ giải vây với sự ngây thơ trong sáng của mình:
- Tốt quá, càng đông thì càng vui mà. Bạn bỏ quà của Linh vào ba lô Dương đang khoác đi.
My nói, gần như là buột miệng:
- Linh mà cũng có quà sao? Mình có thấy Linh mua gì đâu? Hay lại là cái vòng nguyệt quế bạn ấy tết bằng cỏ lúc gần về? Cái đấy mà cũng được coi là quà?
Tôi vội kéo My đi trước, vừa là để dẫn đường, vừa là để tránh cơn bão cấp độ “n” đang dâng lên trong mắt Tùng.
- My nên cẩn thận với phát ngôn của mình trước mặt Huy. – Tôi bổ túc nhanh cho My vài quy tắc ứng xử trước khi bấm chuông cửa nhà Kiên – Mặt Huy không dày như mặt Quân đâu. A, Kiên kìa!
Đầu Kiên mới thò ra khỏi cửa sổ đã vội vã thụt vào trong như thể vừa nhìn thấy ma, trong khi đó, tôi và My còn chưa hết đau tim về tốc độ có thể nói là thoắt ẩn thoắt hiện của Kiên.
My cười đánh đố tôi:
- Dương đoán xem, trong nhà Kiên có phải đang diễn ra “một cảnh từ xưa đến nay chưa từng có” hay không?
Tôi cũng đã đoán được đại khái cảnh tượng đó là gì nên không khỏi cảm thấy ngại thay cho Kiên. Trái lại, Kiên vừa ra đến cổng đã oang oang lên:
- Mấy bạn thật là! Lần sau đến thì phải báo trước để mình còn biết đường dọn dẹp nhà cửa chứ! Sao về sớm thế? Chẳng phải hôm trước thấy My nằng nặc đòi ở lại đấy cắm trại đến tối cơ mà?
Chúng tôi tự an tọa rồi tự rót luôn nước cho mình để Kiên có thể tha hồ chìm đắm trong biển hộp quà mà bạn ấy vừa trút ra từ ba lô. Kiên run rẩy giơ một chiếc nhẫn bằng nhựa lên:
- Cái gì thế này?
- Mắt bạn bị lé à? – My hồn nhiên hỏi – Hay chưa thấy nhẫn bao giờ? Của mình đó.
- Sao My lại tặng nhẫn cho mình?
- Ai bảo mình tặng? Đồ khuyến mãi kèm theo chứ mình có dở hơi đâu mà đi mua cái thứ đồ chơi này. – My gắt lên – Bạn không thích hả? Không thích thì đưa đây.
- Ớ ớ…
My giằng lấy chiếc nhẫn từ tay Kiên rồi vùng vằng xỏ vào ngón út của mình:
- Đừng bao giờ mơ đến chuyện mình sẽ mua quà cho bạn thêm một lần nào nữa.
- Mình có bảo không thích đâu? – Chất xám của Kiên xem như còn dùng được – Nó là của mình rồi mà, trả lại cho mình đi.
- Nói thế thì sinh nhật năm sau còn có quà. – My bắt đầu xoay xoay chiếc nhẫn để tháo nó ra – Ớ, chết cha! Lúc nãy mình đeo vào kiểu gì nhỉ?
Mặc cho My xoay sở đủ kiểu, chiếc nhẫn vẫn bị mắc kẹt ở đốt cuối của ngón út. My nổi cáu kêu lên:
- Cái nhẫn chết tiệt này. Lấy cho mình con dao ra đây.
- Đưa mình xem nào! – Tùng nhẹ day day ngón út của My – Xà phòng có lẽ sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp này…
- Thôi, mình nghĩ lại rồi! – Quan điểm của My cứ xoay như chong chóng, ánh mắt lại dán chặt lên gương mặt đậm chất thư sinh của Tùng – Đeo thế này cũng có cái hay. Tùng giúp mình đeo lại đi.
Quân bắt đầu tấu hài:
- Tùng đừng dại. Đeo nhẫn cho My là đeo vòng kim cô cho chính ông đấy.
- Đây là ngón út mà! – Mắt Tùng trong veo.
- Từ ngón út đến ngón áp út là bao xa? Cứ cẩn thận vẫn là hơn hết. – Quân nói rất tỉnh.
- Trộm vía nhá,… – My lườm Quân – … Quân nhà ta càng ngày càng ăn nói có duyên dễ sợ.
Tôi phải cắn chặt môi mới không để bật ra tiếng cười, tay đẩy một hộp quà nhỏ về phía Kiên:
Không biết là Huy không tin vào tai mình hay không tin vào lời tôi mà bạn ấy lập tức quay phắt lại nhìn tôi. Tôi mỉm cười với Kiên, rồi nhìn thẳng vào mắt Huy.
Lần đầu tiên đối diện trực tiếp với nhau như thế này, hai chúng tôi đều có chút ngỡ ngàng. Trong mắt cả hai dường như không hề phản chiếu hình bóng của đối phương, chỉ có một tia cảm xúc lạ lẫm là còn tồn tại.
Đó là cảm thông, là thấu hiểu.
- Linh... mình đã bảo là... – Kiên sững sờ nói – Bạn ấy mua quà cho mình làm gì chứ...
- Bạn có thể mở ngay lúc này cho bọn mình cùng xem được không? – Tôi mỉm cười – Mình tin là bạn cũng biết giá trị của mòn quà này nằm ở đâu.
“Mình cũng tin là bạn biết rằng, có những món quà trở nên vô giá, không phải vì nhãn mác của nó, mà là vì những khoảnh khắc mà nó mang đến.”
Qua bàn tay Kiên, từng lớp giấy bọc bên ngoài hộp quà được trút bỏ, để lộ một chiếc đồng hồ cát lấp lánh bên trong.
May mà phòng khách nhà Kiên cũng khá thông thoáng nên ngoài tiếng thở của chính mình ra, chúng tôi có thể nghe được tiếng gió thổi bên ngoài, cảm nhận được sự ấm áp của những tia nắng muộn đang dán lên lớp cửa kính.
Chúng tôi đều biết là điều kiện nhà Linh không dư giả gì, bố bạn ấy mất sớm, một mình bác gái bươn chải nuôi bốn chị em Linh ăn học ngần ấy năm trời. Một món quà như thế này với chúng tôi chỉ có thể gọi lịch sự nhưng với Linh chắc chắn phải là cả một sự xa xỉ. My bỗng nhiên chớp chớp mắt liên tục, đầu hơi cúi xuống, không muốn đối diện với ánh mắt ngây ngốc của Kiên.
Để thay đổi không khí, tôi đưa tấm hình chụp cả lớp ở Ba Vì cho Kiên xem:
- Năm sau lại đi dã ngoại với lớp tiếp nhé, Kiên?
- Năm sau không có sao băng nữa đâu! – My tiếc rẻ nói – Đổi địa điểm du lịch đi.
Quân nhìn My bằng nửa con mắt:
- Ngắm sao băng mà phải vác xác tới tận Ba Vì, thú vui của My cũng thật là tao nhã quá đi mà!
My chua chát độp lại:
- Quân biết cái gì mà nói. Đứng dưới một cái hầm ngắm sao băng sướng hơn đứng trên một bãi cỏ mà ngắm chắc?
- Gần xóm mình có một khu đất trống, giữa khu đất có một cái lều bỏ không. – Quân chỉ dẫn tận tình – My thích thì ra đó mà hạ trại. Cần củi nữa thì sang nhà bà nội mình, bà mình tài trợ.
Dự cảm được cái kết chẳng lành của cuộc đấu khẩu này, tôi vội can thiệp:
- Tối nay My sang nhà mình đi. Ban công sau nhà mình không bị mấy ngôi biệt thự vây kín như nhà My đâu.
My lém lỉnh cười:
- Đứng ở ban công nhà bạn để làm ngôi sao cho bạn ngắm hả?
Ngụm nước trong miệng Kiên chưa kịp trôi xuống cổ họng đã bị đẩy ngược lại để phun thẳng vào chậu cây xương rồng trước mặt. Kiên ho khù khụ chỉ vào một góc trong ảnh, đánh lạc hướng chúng tôi:
- Giật cả mình! Quân định dọa thằng chụp ảnh hay sao mà cứ trợn trừng mắt lên thế này?
Chúng tôi lại được dịp để mà cười đến nghiêng ngả, đến cả Huy trầm tư đang cũng phải bật cười.
Lúc cả bọn ra về, My liến thoắng:
- Đêm nay tất cả nhớ phải ra ngắm sao băng đấy nhé! Tầm 11 giờ, không ngắm sẽ phải hối hận cả đời.
Ánh sao đêm đó dường như được thắp sáng lên chỉ để làm điểm nhìn cho riêng chúng tôi mà thôi.
- Sắp có sao băng rồi đấy. – Tôi mệt mỏi truyền đạt lại lời của My cho Huy nghe qua điện thoại – Bạn đang ở trên sân thượng rồi chứ?
- Đợi vài phút nữa nhé! – Tùng năn nỉ – Mình làm nốt bài này đã.
- Vài phút nữa thì bạn chuẩn bị thau chậu ra mà hứng mưa của My. My đang phun mưa vèo vèo qua cái điện thoại của bạn ấy kia kìa.
- Ừ ừ mình biết rồi. Mình lên sân thượng ngay đây. Mà bạn bảo My nói nhỏ thôi, qua điện thoại của bạn mà mình còn nghe rõ từng từ đây này.
Tùng nghe rõ, chẳng lẽ tôi lại không nghe được? Sở dĩ tôi không dám phàn nàn gì, vì làm vậy chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
- Bạn không xem thì đừng bao giờ nhìn mặt mình nữa. – My quát the thé the thé – Rõ chưa?
Không thèm tranh cãi gì thêm, My quẳng luôn điện thoại cho tôi:
- Loa máy mình bị làm sao ý, chẳng nghe rõ Kiên nói gì cả.
- Chắc bị ẩm rồi. – Tôi thở dài – Bây giờ mà sấy ngay còn kịp. Hiệp ơi, nhìn hộ chị xem cái máy sấy tóc có đấy không!
Cơn mưa sao băng trút xuống không trung những vệt sáng lung linh huyền ảo, soi tỏ rất nhiều góc khuất trong ký ức của mỗi chúng tôi. Một buổi trưa nắng chỉ có mình tôi trong sân trường, một buổi sáng bắt đầu cho những ngày lớp học vắng Huy, một buổi chiều có hoa sữa bay trong gió,...
Tôi nghĩ rằng mình đã quên, nhưng thực ra chỉ là chưa bao giờ muốn nhớ lại.
- Cái gì? Kiên nói lại xem nào? Bạn đang muốn chết đúng không? – Vì đang ở cách xa Kiên hơn 3 km nên My chỉ có thể trút giận lên chiếc điện thoại trong tay – Bạn có biết rằng ba mươi năm sau mới có một trận mưa sao băng lớn như thế này không? Bạn có biết...
Tôi giật cái điện thoại khỏi tay My rồi chạm nhanh vào khung Kết thúc trên màn hình cảm ứng:
- Máy sấy tóc mà hoạt động quá công suất sẽ bị cháy đó.
- Tức không chịu nổi. – Tia lửa trong mắt My tóe sáng – Bạn biết Kiên ngồi hơn 30 phút dưới bầu trời đầy sao băng để làm gì không? Kiên chắp tay lải nhải đúng một câu “Mong là My sẽ không bao giờ chui vào bất cứ một cái nhà vệ sinh nam nào nữa.” Làm như mình biến thái lắm không bằng. Ờ mà có nói bạn cũng không biết đâu, hề hề. Mình đùa thôi mà.
- …
Đêm đã rất khuya, những ánh sao trên trời cũng đã tắt hết, chỉ còn lại một ánh sao le lói trong tim tôi.
Tôi nhấc máy gọi cho Hải Anh. Ngày mới sắp đến rồi, phải đem những chuyện của ngày cũ gác sang một bên chứ.
Hải Anh nghe máy, giọng tỉnh như sáo:
- Gì vậy Dương?
- May quá, bạn chưa ngủ. – Tôi thở phào nói.
- Ừ, thật là may cho bạn. Mình đánh một giấc từ 6 giờ đến tận bây giờ, vừa mới tỉnh, đang xuống bếp tìm bữa tối đây.
- Bạn không ngắm sao băng à?
- Thôi thôi cho mình xin. – Hải Anh rên lên – Hơn nửa ngày cuốc bộ, thêm hai tiếng ngồi xe khách nữa là tha hồ cho sao quay vù vù trước mắt rồi. Bạn gọi cho mình có chuyện gì vậy?
- Có một chuyện, thực ra là không liên quan gì đến mình và bạn đâu, nhưng mình cũng không biết là nên giãi bày với ai nữa. – Tôi thở nhẹ ra một hơi – Bạn còn nhớ những lời mình nói với bạn về Kiên và My không? Đều là mình hiểu lầm thôi. Giờ mình mới hiểu tại sao My lại đối xử tốt với Kiên như vậy.
Hải Anh chợt ho khẽ, hắng giọng nói:
- Khoan đã. Nếu là chuyện này thì chắc chắn là có liên quan đến mình đấy.
Tôi sợ mình nghe nhầm nên hỏi lại ngay lập tức:
- Gì cơ?
- Mình cũng biết tại sao My lại đối xử tốt với Kiên như vậy.
Tôi không nén nổi tò mò, vội giục Hải Anh:
- Bạn nói trước đi.
- Ở một nơi mà – ai – cũng – biết – là – nơi – nào – đấy, Kiên đã “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”, cứu thoát My khỏi tay Tử thần trong gang tấc. Cụ thể thế nào chắc bạn cũng đã rõ. – Hải Anh nói thật mà như đùa – Mình chỉ muốn nói đến cái kết thôi, anh hùng của chúng ta đã bị Tử thần áp giải tới Văn phòng Đoàn và ban cho một cái biên bản dài ngoằng. Nghe nói, đó là cái biên bản đầu tiên trong đời học sinh của anh chàng.
Tim tôi bắt đầu đập loạn cả lên:
- Bạn biết gì thì làm ơn nói hết ra đi.
Hải Anh bỗng nén giọng lại:
- My chưa kể cho bạn nghe lý do tại sao My lại lao vào buồng vệ sinh nam à?
- Nếu là bạn thì bạn có đi kể cho người khác nghe chuyện này không? My chỉ buột miệng để lộ ra thôi. Nhưng mình nghĩ là vì My muốn chơi khăm thầy giám thị.
- Vớ vẩn. – Hải Anh không nể nang gì mà gạt phăng lời tôi – Lúc ý My còn đang chạy bán sống bán chết, lấy đâu ra hơi sức để bày trò. My chỉ lao vào đó theo phản xạ tự nhiên thôi.
- My không bị cận đâu. – Tôi chán nản nhắc.
- Không bị cận, chỉ bị hoảng nên trông gà hóa quốc. – Hải Anh bật cười – Và con gà đó chính là mình.
Tôi nín thở lắng nghe. Ngay từ lúc bắt đầu đã chẳng có điểm xuất phát rõ ràng thì đâu mới là điểm kết thúc cho chúng tôi đây?
- My nhìn thấy có một người tóc ngắn, quần áo lùng thùng đi vào buồng bên phải, nên lập tức lao vào buồng bên trái. – Hải Anh thờ ơ nói – Bạn ấy không có nhiều thời gian để xác minh xem người đến trước kia là nam hay nữ. Còn người đến trước thấy thầy giám thị cứ đứng canh trước cửa nhà vệ sinh mãi nên cuối cùng lại trở thành người ra sau My. Thấy My cứ thất thần nhìn theo bóng thầy giám thị và Kiên, người đó cũng đoán được chuyện gì đã xảy ra. Và bây giờ người đó đang kể cho bạn nghe nỗi dằn vặt lớn nhất trong đời mình đây.
Dòng thời gian cứ thế mà trôi đi không ngừng nghỉ, chỉ dòng ký ức là dần lắng đọng lại trong đáy mắt tôi.
Ngày hôm đó, Hải Anh tự tay cài cho Linh một chiếc nơ kẹp tóc; ngày hôm đó, Hải Anh không ngần ngại cho Kiên mượn thẻ học sinh; ngày hôm đó, Hải Anh là người đầu tiên vỗ tay chúc mừng Kiên và Linh được về chỗ… thì ra, tất cả chỉ là vì một món nợ không đáng phải trả, cũng không đáng để đòi sao?
Mãi một lúc sau, tôi mới thở dài nói:
- Giờ thì mình đã hiểu tại sao bạn lại đối xử tốt với Kiên đến vậy rồi.
Không hẳn là tốt cho Kiên, nhưng ít ra thì những việc Hải Anh làm cũng là những việc mà Kiên cho là tốt. Kiên thích túm năm tụm ba với bọn học sinh cá biệt lớp khác, Hải Anh sẽ không giữ bạn ấy; Kiên muốn Linh được ở lại lớp, Hải Anh sẽ thay Kiên bảo vệ Linh.
- Thực ra mình thấy, làm một học sinh cá biệt như Kiên cũng không có gì là xấu cả. – Hải Anh nói.
Tôi cười khổ:
- Giá như My cũng nghĩ được như bạn thì Kiên đã không phải thưởng thức món “bánh giày”.
- My cũng chỉ nghĩ là bạn ấy đang làm những điều tốt nhất cho Kiên thôi. – Hải Anh nói bằng giọng vô cùng nghiêm túc – Mà hình như bạn cũng đối xử tốt với Kiên một cách bất thường đó. Tại sao vậy?
Giờ là lúc tôi thấy mình không nên vòng vo thêm một giây một phút nào nữa:
- Có lẽ là vì mình mong rằng trên trái đất này có một người trở nên ngốc nghếch vì Linh và Huy là quá đủ rồi.
Lời tôi vừa nói, có thể vì Hải Anh không hiểu, mà cũng có thể vì hiểu nên bạn ấy mới cười cười nói lảng sang chuyện khác:
- À mà này! Mình nghĩ bạn nên giải thích chuyện của My với Quân thì hơn.
Tim thôi bỗng thót lên một cái:
- Quân lại hóng hớt được gì rồi?
- Vụ Kiên và Linh bị đứng xó hụt ý. Bạn biết Quân suy luận như thế nào không?
Tôi cố nén một cái ngáp dài, uể oải nói:
- My cố ý đưa cho Kiên một bài làm sai, để mượn tay Kiên biến Linh thành trò cười trước lớp. Không ngờ Kiên bị gọi lên bảng, rồi lại trở thành anh hùng cứu mỹ nhân. Còn thiếu chi tiết nào nữa không nhỉ?
- Đại loại vậy. Không biết bạn có để ý không chứ ngay từ lúc nhìn thấy lỗi sai trên bảng, Quân đã quay phắt lại nhìn My. – Hải Anh cười khúc khích – Oan cho My nhà ta quá! Mà thôi bạn ngủ đi, muộn lắm rồi đấy. Mình cũng đói lắm rồi.
“My sẽ không bận tâm đâu mọi người nghĩ gì về bạn ấy đâu, chỉ cần Kiên tin bạn ấy là được rồi.”
Tôi nhìn đồng hồ, tay không chút do dự nhấc điện thoại lên. Đã đến giờ rồi…
- Tùng ơi, làm xong hết bài tập rồi chứ? – Tiếng tôi nhỏ như muỗi kêu.
- Ừ, vừa mới xong. May quá là may luôn, mình còn sợ là đêm nay không làm hết được. – Tùng phấn khởi khoe.
- Bạn có biết tại sao không?
- Bạn hỏi vậy là có ý gì? Không lẽ bạn biết?
- Biết rất rõ là đằng khác.
Tùng thờ ơ nói, chắc vẫn nghĩ rằng tôi đang đùa:
Tôi thủ thỉ nói, như thể đang kể chuyện cổ tích để ru trẻ ngủ:
- Vào lúc sao băng chói lóa đến mức không thể nào ngắm nhìn được nữa, mình đã nhắm mắt lại và ước rằng “Tùng sẽ làm hết bài tập chỉ trong vòng 30 phút”. Và điều ước của mình đã trở thành sự thật, đúng không?
Tiếng hít thở ở đầu dây bên kia bỗng ngừng bặt, nhường lại sự ngự trị cho giai điệu bất tận mà những cơn gió trong đêm mang tới.
Tôi lên tiếng phá tan sự im lặng giữa cả hai:
- Còn điều ước của bạn thì sao?
- Đã thành hiện thực từ 30 phút trước.
- Thật sao? – Thay vì mừng cho Tùng, tôi lại cảm thấy vô cùng ganh tỵ – GATO với bạn chết mất thôi. Sao lại có người may mắn như bạn cơ chứ?!
Tùng lặp lại sự đắc ý của tôi mấy phút trước:
- Bạn đã biết điều ước của mình là gì đâu.
- Bạn ước gì? – Tôi cấm cảu hỏi.
- Mình ước cho trận mưa sao băng này kết thúc càng nhanh càng tốt, có như vậy thì bạn và My mới giảm thiểu tối đa nguy cơ bị đóng băng trong thời tiết này.
- …
Dưới bầu trời này đã từng có một ngôi sao lắng nghe và biến điều ước của tôi thành hiện thực, cũng từng có một ngôi sao thì thầm bên tai tôi một điều ước không thể hiện thực hơn, và cũng không thể đẹp hơn được nữa.
- Bạn có biết lần đầu tiên mình cười với bạn là khi nào không? – Tôi khẽ hỏi.
Giống như khi ở trên lớp, chỉ cần ba giây sau khi nghe câu hỏi là Tùng đã có thể đưa ra câu trả lời:
- Không phải là lần mình, bạn, với Hải Anh, Quyên, thêm bốn tổ trưởng của bốn tổ bước lên bục giảng ra mắt cả lớp hồi đầu năm học lớp 10 sao?
...nhưng đáng tiếc, lần này Tùng trả lời sai mất rồi, vì nơi chúng tôi đang đứng không phải là lớp học, và câu hỏi của tôi hoàn toàn không cần đến tri thức để trả lời.
- Không phải. Đó là lần thứ hai.
- …
Tôi nhìn lên bầu trời, bao la và trống trải đến nhường nào, nhưng tôi biết vẫn luôn có một vì sao dõi theo tôi, dẫn lối cho tôi…
- Hôm đó là ngày đầu tiên học sinh lớp 10 tập trung, và chúng ta vẫn chưa quen biết nhau. Các bạn khác đã đứng kín hành lang chờ cô giáo chủ nhiệm từ bao giờ rồi mà mãi bạn mới hộc tốc chạy đến, tay cầm theo một quyển Conan mới phát hành vài phút trước đó. Bạn biết là mình chúa ghét những người ham đọc truyện tranh thế nào rồi chứ? Không phải mình ăn ốc đoán mò đâu. Mình đã đọc thử để xem nó có gì hay ho không, và cuối cùng cũng rút ra một kết luận là đọc truyện tranh vừa mất thời gian, vừa vô bổ. Nhưng lúc cô Thanh gọi tên bạn, mình mới biết bạn chính là người có số điểm đầu vào cao nhất lớp, thủ khoa của khối. Lúc đó, không hiểu tại sao, mình lại đột nhiên mỉm cười. Thì ra, vẫn có người nghiện truyện tranh mà lại học giỏi, chứ không giống như kẻ nào đó, đã chậm tiến rồi lại còn bảo thủ, cứ khư khư quyển truyện tranh trong tay rồi bỏ bê bài vở, không chịu nghe người khác nói. Bị dọa đúp đúng là đáng đời.
Tùng bất chấp hình tượng “cụ non” cố hữu mà bật cười:
- Mình biết người đó là ai rồi đấy nhé.
Người đó nghe rồi thì cũng sẽ cười như Tùng thôi, cười vì tất cả chỉ còn là ký ức…